Điện năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch, vô tận và có sẵn cực kỳ thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, người ta bắt đầu lo ngại về tấm pin năng lượng mặt trời sẽ đi về đâu khi chúng hoạt động không còn hiệu quả hoặc kết thúc vòng đời của chúng?
Bài toán về rác thải pin mặt trời
Vài thập niên trở lại đây, điện mặt trời được phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới. Tốc độ tăng trung bình về công suất lắp đặt điện mặt trời đạt trên 40%/năm (giai đoạn 2008-2018). Điều này bắt nguồn từ một số nguyên nhân như: tính kinh tế của điện mặt trời ngày càng cao, đã có thể cạnh tranh với năng lượng hóa thạch; công nghệ đơn giản và ngày càng được tối ưu; năng lượng mặt trời vô tận và phân bổ khá đều trên bề mặt Trái Đất nên hầu như quốc gia, khu vực nào cũng có thể khai thác.
Hiện điện mặt trời đã đứng vị trí thứ 3 về tổng công suất lắp đặt, chỉ sau thủy điện và điện gió. Tổng công suất lắp đặt điện năng lượng mặt trời trên thế giới đã đạt 505 GW vào năm 2018 và được dự báo sẽ tăng lên 2.630 GW vào năm 2030, đạt 6.400 GW vào năm 2050.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng trong thời gian ngắn của điện mặt trời trên khắp toàn cầu đặt ra bài toán về việc xử lý số lượng lớn các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết vòng đời. Theo một số tính toán, nếu tính trung bình mỗi tấm pin mặt trời có công suất 300W và nặng 15kg thì với tổng công suất 505 GW, cần khoảng 1,7 tỉ tấm pin, tương đương 25,5 triệu tấn vật liệu. Từ dự báo công suất điện mặt trời, đến năm 2030 sẽ có 131 triệu tấn vật liệu rác thải pin mặt trời và con số này sẽ lên đến 323 triệu tấn vào năm 2050.
Xu hướng trên thế giới
Chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu trong giải quyết vấn đề này, ông Koen Duchateau, Trưởng Bộ phận hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, khi mới bắt đầu triển khai các dự án điện mặt trời, các quốc gia EU đã tính đến việc xử lý pin như thế nào. Bởi một khi đã hết hạn sử dụng thì những tấm pin mặt trời sẽ trở thành chất thải và chất thải cần phải được xử lý.
Theo ông Koen Duchateau, Ủy ban châu Âu đã có chỉ thị về vấn đề xử lý chất thải điện, rác điện tử, trong đó có pin mặt trời bằng cách gắn việc thu gom, xử lý rác điện tử với các nhà sản xuất. Trong đó quy định pháp lý rất rõ ràng về việc thu gom, tái sử dụng, tái chế, thậm chí thu lại các nguyên liệu từ rác điện tử để sử dụng cho các mục đích sản xuất khác nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là giảm khối lượng rác điện tử thải ra môi trường.
Kể từ năm 2014, để tuân thủ chỉ thị chung của EU, tất cả các quốc gia thành viên của EU đã đưa ra quy định riêng của đất nước mình về vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý rác điện tử, trong đó có các tấm pin mặt trời. Theo đó, các nhà sản xuất được yêu cầu khi các tấm pin mặt trời lắp đặt cho các hộ dân hết thời hạn sử dụng thì các nhà sản xuất phải thu gom, vận chuyển, xử lý. Quy định này ràng buộc và tăng trách nhiệm của các nhà sản xuất với vấn đề bảo vệ môi trường, gắn sự tham gia của nhà sản xuất vào cả vòng đời của hệ thống. Đối với các hộ gia đình, cuối vòng đời hệ thống họ không phải tốn chi phí để xử lý.
Ông Koen Duchateau cho biết thêm, EU có rất nhiều kinh nghiệm trong xử lý rác điện tử, trước đó chủ yếu là rác điện tử đến từ các đồ gia dụng. Cho nên khi bắt đầu phát triển điện mặt trời họ đã có kinh nghiệm và có bước chuẩn bị, hướng dẫn quy định về mặt xử lý rác đối với pin mặt trời đã qua sử dụng. Với các tấm pin mặt trời không còn sử dụng, EU quy định tỉ lệ tái chế/tái sử dụng là 85%/ 80%.
Hiện nay, đã có nhiều nhà máy xử lý các tấm pin mặt trời cũ với tỉ lệ tái chế lên đến 96%. Nhiều quốc gia cũng đang nghiên cứu các công nghệ để việc tái chế tấm pin năng lượng mặt trời ngày càng hiệu quả, chi phí thấp, rút ngắn thời gian tái chế…
Còn ở Việt Nam thì sao?
Ở Việt Nam, các dự án đang trong quá trình xây dựng. Chủ đầu tư đều ký hợp đồng với nhà cung cấp tấm quang điện, có điều khoản sau 20 năm (hết vòng đời dự án) nhà cung cấp sẽ thu hồi những tấm quang điện này về để xử lý, tái chế. Để làm việc này, nhà cung cấp thường cộng thêm một khoản chi phí vào giá bán.
Cơ sở nào để nhà cung cấp sẽ thực hiện cam kết? Trao đổi với VietNamNet, ngày 13/11, một nhà đầu tư đang thực hiện nhiều dự án điện mặt trời ở Việt Nam, nói rằng: Nhà cung cấp họ hiểu rằng tấm quang điện có thể tái chế được và có lãi nên đã thêm điều khoản này vào để “lợi đơn lợi kép”.
Ngoài ra, tấm quang điện phổ biến dùng ở Việt Nam là tấm quang điện silic. Thành phần tấm pin dùng công nghệ silic bao gồm lớp tế bào quang điện, lớp kính trước của tấm quang điện, tấm nền của pin, khung tấm pin mặt trời…
Hầu hết các thành phần này đều có thể tái chế được. Vị này khẳng định: Tái chế tấm quang điện chắc chắn có lãi. Hầu như toàn bộ thu hồi được. Trong lĩnh vực xử lý rác, thu hồi được 90% là có lãi được. Ngoài ra, theo quan điểm của nhà đầu tư này, bất kì công trình đầu tư xây dựng nào khi kết thúc vòng đời dự án đều tạo ra rác thải.
Theo Kinhtemoitruong.vn
Cuối năm là giai đoạn cao điểm các nhà máy tập trung sản xuất, do đó sản lượng điện tiêu thụ của các công ty tăng cao. Đây được coi là thách thức đối với ngành năng lượng. Trong bối cảnh đó, Vietnam Solar Park đã góp phần tạo nên…
Mặc dù tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tăng trong 10 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, thế nhưng áp lực cho nguồn nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn tăng mạnh. Dự án Vietnam Solar Park với mục tiêu khai thác…
Điện năng lượng mặt trời được tạo ra từ năng lượng mặt trời – nguồn nhiên liệu được cho là nguồn năng lượng tái tạo sạch với trữ lượng vô tận, đang dần được ưa chuộng và trở thành công nghệ của tương lai. Tấm pin năng lượng ra đời…
Tổ chức The Ocean Cleanup hôm 22/10 bắt đầu triển khai dự án thu gom rác nổi trên tuyến đường thủy ô nhiễm nhất ở Los Angeles. Với tình trạng rác thải nhựa chảy ra đại dương ở mức báo động, Los Angeles hôm 22/10 đã chính thức…